CHƯƠNG V: Bằng Chứng Tôn Giáo Về Tính Nhất Thể
Zingdad: JD, tôi hiểu rằng chúng ta cũng sẽ không “chứng minh” tính Nhất Thể của vạn vật từ quan điểm tôn giáo một cách tuyệt đối không thể bàn cãi?
Joy-Divine: Không, bạn nói đúng. Không quan trọng cách giải quyết vấn đề này như thế nào vì mọi người sẽ luôn có quyền và khả năng nghi ngờ hoặc lựa chọn khác đi. Vấn đề ở đây không phải là làm câm lặng các quan điểm khác, mà là về việc trình bày một quan điểm mà bạn và độc giả có thể chọn để chấp nhận nếu nó cộng hưởng với trái tim của các bạn. Trước đây tôi đã giải quyết nó từ quan điểm vô thần / khoa học, không phải vì tôi muốn công kích hoặc thuyết phục những người như vậy. Không hề. Đơn giản là vì cần phải một khởi đầu từ đó có thể đưa ra lập luận chặt chẽ. Và bây giờ tôi sẽ làm điều này một lần nữa. Tôi sẽ đứng ở một lập trường khác và cũng làm như vậy từ một góc độ lập luận khác. Góc nhìn này là của các tôn giáo có tổ chức. Theo mục đích của tôi, tôi sẽ chia các tôn giáo thành hai nhóm: những người coi Chúa tách biệt khỏi cái tôi và những người coi cái tôi là một với Chúa. Nhóm thứ hai đã đồng ý với quan điểm mà tôi đang trình bày ở đây, cho nên chúng ta có thể, vì mục đích của bài diễn văn này, để yên nó ở đó. Vì vậy, tôi sẽ sử dụng niềm tin của nhóm thứ nhất để bắt đầu: quan điểm rằng có một vị Chúa nhưng mà vị Chúa này hoàn toàn tách biệt, hoặc ở bên ngoài các sáng tạo của Chúa.
Tôi muốn đưa ra những quan sát cụ thể sau: nếu ai đó đã tin vào Đấng Tạo Hóa Tối Cao Toàn Năng, vậy thì tôi sẽ đưa ra lập luận như sau. Là một Đấng Toàn Năng, Đấng Tạo Hóa Tối Cao có thể làm bất cứ điều gì Nó thích, phải không?
Z: Ừm. Vui lòng đợi một phút. Tôi không chắc mình có thực sự hài lòng với từ “Nó” khi bạn nhắc đến Chúa.
JD: Ừa. Tôi biết chứ. Xin lỗi nhé. Các bạn có một định kiến văn hóa mà cho rằng “Nó” bằng cách nào đó hèn kém hơn Anh ấy hoặc Cô ấy. Tôi sợ tôi sẽ không thể làm thỏa mãn điều đó được. Đấng Tạo Hóa Tối Cao không có giới tính. Nó vượt xa, xa hơn rất nhiều cái vấn đề nhỏ nhặt này. Nó là cả hai, và không là cái nào cả, và vượt lên trên giới tính. Vì vậy, cho đến khi có một từ nào đó tốt hơn trong ngôn ngữ tiếng Anh để biểu thị: “Anh ấy, Cô ấy và Nó và mọi giới tính khác mà có thể có trong tất cả sự sáng tạo, và tất cả những thứ này, và không có thứ nào cả,” thì tôi sẽ buộc phải sử dụng “Nó”. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự xúc phạm. Trong góc nhìn của tôi thì việc giới hạn Chúa theo một giới tính nào đó lại mang tính xúc phạm hơn nhiều. Nhưng để dung hòa sự nhạy cảm này, chúng ta sẽ viết hoa chữ “N” của từ “Nó”. Điều đó có ổn không?
Z: Hoàn hảo, cảm ơn bạn. Như bạn thấy đấy, đằng nào tôi cũng làm gián đoạn cuộc trò chuyện rồi và cũng đang bận bới lông tìm vết, có vấn đề gì với từ “Chúa” vậy? Ý tôi là, chẳng phải nó đã hàm ý một quan điểm tôn giáo? Chúng ta có thể gọi là “Nguồn” hoặc … một cái gì đó ít bó buộc hơn?
JD: Ooooookay. Hãy giải quyết nhanh vấn đề này nhé. Không có cái tên hoặc từ nào mà bạn chọn có thể thỏa mãn cả. Một cái tên, bản thân nó đã mang tính rút gọn. Nó loại trừ mọi thứ không phải như vậy. Không có bất cứ cái tên nào có thể mô tả được Chúa vì Chúa là tất cả mọi thứ và còn nhiều hơn thế nữa. Chúa hoàn toàn nằm ngoài sự hiểu biết và mô tả. Vì vậy, chúng ta có lẽ chỉ nên chọn im lặng hoàn toàn về chủ đề Chúa bởi vì tất cả những gì bạn có thể nói về Chúa đều là sự rút gọn của chân lý. Không có tên và không có mô tả và không có bất cứ nỗ lực nào có thể hiểu được cả. Nhưng điều đó sẽ thật ngớ ngẩn. Chắc chắn ít nhất chúng ta cũng nên thử với những gì chúng ta cần phải hiểu về Chúa? Phải có bắt đầu và sau đó sẽ là tiếp tục nâng cao sự hiểu biết khi khả năng của chúng ta tăng lên? Và khi mà bạn, ở hành tinh Trái đất, sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp và phát triển suy nghĩ, chúng ta phải tìm một số từ để gọi Chúa. Nếu chúng ta không cho phép bất cứ từ nào thì chúng ta không thể nói về nó. Và nếu chúng ta nghĩ ra một thuật ngữ mô tả thì nó thậm chí còn tệ và hạn chế hơn. Vì vậy, để cho phép cuộc trò chuyện có thể diễn ra, tôi chỉ đơn giản là chọn cái tên phổ biến và cộng hưởng cao nhất trong nền văn hóa bạn hiện đang sống. Nếu tôi nói về The Mighty Zeelagzog (hoặc bất kỳ cái tên tưởng tượng nào khác), bạn sẽ hỏi “ai vậy?” Do đó, nếu tôi bắt đầu bằng cách nói về Chúa, thì bạn sẽ biết ngay tôi nói về ai, ngay cả khi tôi sau đó phải làm rõ quan điểm của tôi về Chúa. Đó chính xác là những gì tôi đang làm ngay lúc này. Nếu quan điểm của bạn về Chúa là Nó tách biệt với phần còn lại, thì tôi ở đây cho bạn biết quan điểm của tôi về Chúa là gì, đó là MỘT với chúng ta và Tất Cả Những Cái Đang Là. Vì vậy, tôi sẽ sử dụng tên “Chúa” và theo thời gian bạn sẽ hiểu ý tôi là gì khi nói về cái tên đó. Nếu độc giả của bạn thích một thuật ngữ khác, thì tôi khiêm tốn cầu xin sự đồng thuận của họ trong vấn đề này.
Z: Được rồi, hiểu rồi. Cảm ơn bạn đã làm sáng tỏ và tôi xin lỗi vì làm gián đoạn. Chúng ta có thể tiếp tục ở nơi chúng tôi đã dừng lại không?
JD: Chắc chắn rồi. Tôi đã đưa ra một quan sát rằng, nếu Chúa là toàn năng, thì Chúa có thể làm bất cứ điều gì và tạo ra bất cứ điều gì Nó muốn, phải không?
Z: Đúng vậy.
JD: Vậy thì nếu một Sinh thể như vậy muốn trải nghiệm thế giới từ góc nhìn của bạn, Nó hoàn toàn có thể. Trên thực tế, Nó có thể, và nếu Nó muốn trải nghiệm thế giới từ góc nhìn của mọi sinh vật cùng một lúc, Nó có thể chứ?
Z: Có. Tôi đoán từ “toàn năng” có nghĩa là không bị hạn chế. Bạn có thể làm bất cứ việc gì. Chắc chắn cũng bao gồm việc nhìn thấy mọi thứ từ mọi góc độ.
JD: Vậy câu hỏi duy nhất sẽ là nếu Chúa có muốn điều này không. Liệu Chúa mong muốn nhìn thấy mọi thứ chính xác như bạn (và mọi người khác) hay là Chúa muốn xem Tạo vật của mình từ “bên trên” hay từ một vị trí “riêng biệt”? Tôi sẽ trả lời câu hỏi như thế này: Chúa muốn có góc nhìn yêu thương nào nhất? Góc nhìn nào mà sẽ mang lại cho Chúa tình yêu và lòng trắc ẩn nhất đối với bạn? Rõ ràng, để Chúa thực sự hiểu bạn, Chúa sẽ cần sẵn sàng trải nghiệm cuộc sống như bạn. Nếu không, Chúa sẽ đứng ngoài bạn và nhìn vào tất cả những đứa con nhỏ của mình và dò dẫm, rồi sau đó chỉ thấy bạn toàn là lỗi lầm và hư hỏng. Nhưng nếu Chúa trải nghiệm thế giới thông qua bạn, với tư cách là bạn, thì chắc chắn Chúa không thể có gì ngoài lòng trắc ẩn và tình yêu đối với bạn. Vậy nên tôi đưa ra cho bạn một sự lựa chọn: bạn có tin Chúa là yêu thương hay không? Tôi mạnh miệng khẳng định rằng Chúa là tình yêu. Và tôi đưa ra cho bạn chân lý đơn giản rằng sự lựa chọn yêu thương nhất đối với Chúa là Chúa không coi chính bản thân Nó là tách biệt với bạn. Nhưng nếu Chúa chỉ chọn nhìn mọi thứ qua đôi mắt của bạn, nhưng vẫn biết rằng mình là Chúa, thì đó sẽ không phải là góc nhìn của bạn. Góc nhìn của bạn chính xác là cách bạn nhìn mọi thứ. Tôi đang nói rằng điều yêu thương nhất mà Chúa làm cũng là giữ chính xác góc nhìn của bạn. Do đó, Chúa trải nghiệm thế giới thông qua bạn, như bạn! Ngay cả khi bạn không biết về sự tồn tại của Chúa hoặc tin vào Chúa hoặc bất cứ điều gì. Chúa vẫn ở trong bạn. Và ở mọi góc nhìn có thể khác. Vì thế Chúa không chỉ đi vào một số góc nhìn ngoan đạo và “tôn kính” khi họ cư xử tốt! Đó là tình yêu có điều kiện. Và tôi đang nói rằng Chúa là tình yêu vô điều kiện.
Z: Nhưng bạn có thể chứng minh điều mình đang nói không … rằng Chúa yêu chúng ta một cách vô điều kiện.
JD: Một lần nữa, tôi chỉ có thể đưa ra một lập luận đầy sức nặng. Bạn sẽ tin những gì bạn muốn. Nhưng nếu bạn tin rằng Chúa toàn tri và toàn hiện thì bạn, theo định nghĩa, sẽ đồng ý với tôi.
Z: Hả? Như thế nào?
JD: Toàn hiện có nghĩa là có mặt ở khắp mọi nơi. Không có nơi nào Chúa không có mặt. Bao gồm, rõ ràng, nơi bạn đang ở. Bây giờ, nếu bạn mở rộng hiểu biết về vị trí, bạn sẽ hiểu rằng bạn không chỉ ở vị trí hiện tại của bạn về mặt địa lý, bạn cũng ở đó về mặt tâm linh. Về mặt tâm linh, bạn đang ở đâu là kết quả của niềm tin và những ý tưởng bạn có về bản thân, cuộc sống và Chúa. Chà, Chúa ở khắp nơi. Điều này có nghĩa là Chúa cũng ở chính xác vị trí đó với bạn và ở mọi nơi khác tại mọi vị trí khác với mọi sinh vật và sự vật khác trong Tất Cả Những Cái Đang Là.
Z: Hừm. Luận điểm tốt đó.
JD: Và toàn tri có nghĩa là “biết hết tất cả”. Bạn có biết cảm giác là một con chó nó sẽ như thế nào không?
Z: Không … không biết.
JD: Nhưng bạn sống với những con chó trong nhà mình. Bạn yêu chúng như con. Bạn quan sát mọi thứ chúng làm và thường để tâm nghiên cứu quá trình tương tác và các hành vi của chúng. Tại sao bạn lại không biết cảm giác là một con chó nó sẽ như thế nào?
Z: Bởi vì tôi là một con người! Tôi không có cảm giác gì về việc mình đã từng là một con chó!
JD: À ha! Để thực sự biết cảm giác là một ai đó, bạn thực sự phải là một ai đó. Nếu không bạn chỉ biết một cái gì đó về sinh vật đó. Chúa cũng như vậy. Nếu Chúa thật sự toàn tri, thì Chúa không thể chỉ biết về bạn. Nếu Chúa quan sát bạn từ bên ngoài, thì Chúa sẽ không bao giờ thực sự biết được cảm giác là bạn nó sẽ như thế nào. Vậy nên, Chúa làm điều này: Chúa là bạn.
Z: Nhưng … đó chẳng phải là đang tự cao tự đại một cách lố bịch ư – rằng tôi là Chúa sao? Ý tôi là Chúa rất vĩ đại và …
JD: Không. Không thể là tự cao tự đại khi bạn tuyên bố điều mà bạn cũng tuyên bố cho tất cả những người khác. Trên thực tế, tôi đang tuyên bố điều này như nhau cho tất cả các loài động vật, thực vật, côn trùng, đá, phân tử, nguyên tử … bạn thấy được bức tranh chưa? Từ góc nhìn này, tôi đang nói rằng bạn vĩ đại ngang tầm vũ trụ nhưng đồng thời cũng chỉ vĩ đại như một con trùng amip thôi. Bạn có thấy điều đó nghe có vẻ như là tự cao tự đại không? Vị trí này làm cho bạn không vĩ đại hơn cũng không thấp kém hơn bất kỳ thực thể nào khác trong Tất Những Cái Đang Là. Nhưng nó lại làm cho Chúa vĩ đại nhiều hơn.
Z: Thế là thế nào?
JD: Rõ ràng là một vị Chúa có tầm nhìn vô cực, người ở khắp mọi nơi và biết mọi thứ , có quyền năng vô hạn sẽ vĩ đại hơn nhiều một vị Chúa chỉ giữ một số góc nhìn và chỉ có thể sống bên ngoài bạn cho đến khi bạn làm những điều “tốt đẹp và thánh thiện” nhất định.
Z: Hừm. Lập luận bén quá.
JD: Vậy nên tôi muốn hỏi bạn một câu hóc búa. Nếu Chúa là toàn năng và nếu Chúa là tình yêu, thì có vẻ như Chúa phải là một với bạn. Và nếu Chúa là toàn tri, thì Chúa phải là một với bạn. Và nếu Chúa là toàn hiện, thì Chúa phải là một với bạn.
Vì vậy, bây giờ sự lựa chọn là ở bạn. Bạn có muốn từ bỏ niềm tin của mình vào những thuộc tính này của Chúa không? Bạn có thích tin rằng Chúa kém hơn những điều này không? Bạn có muốn nói rằng Chúa không toàn năng, không phải là tình yêu, không toàn tri và không toàn hiện? Hay bạn muốn chấp nhận chân lý tuyệt đối rằng Chúa là một với tất cả … bao gồm cả bạn và các độc giả, tất nhiên rồi?
Z: Tôi chắc chắn rằng phải có những lập luận khác được đưa ra.
JD: Bạn nói đúng! Luôn luôn có các lý lẽ khác bởi vì luôn luôn có chỗ cho nghi ngờ hoặc một cái nhìn khác. Đó là lúc tự do ý chí của bạn phát huy tác dụng. Và nếu đó là hướng trái tim bạn đang hướng tới, thì tất nhiên bạn phải theo đuổi chân lý của chính mình. Tôi không ở đây để nói chân lý của bạn phải là gì. Tôi ở đây để nói cho bạn biết chân lý của tôi là gì. Tôi chứng minh góc nhìn của tôi và tôi ủng hộ nó. Còn sau đó thì bạn tự quyết định.
Z: Không, đợi một chút. Ý tôi muốn nói là bạn đã chứng minh luận điểm của mình rất sắc bén rằng Chúa nắm giữ tất cả các góc nhìn. Tôi đồng ý rằng điều này có thể có nghĩa là Chúa có khả năng biết chính xác cảm giác là tôi sẽ như thế nào và có trải nghiệm chính xác những điều tôi đã làm và tất cả những thứ khác. Nhưng đó chẳng phải cũng giống như nói rằng Chúa là một với tôi.
JD: Sao lại không?
Z: Chà, ừm … nếu Chúa kiểu như theo dõi trong tâm trí tôi … bạn hình dung không?
JD: Không. Hoặc Chúa là bạn đang trải nghiệm cuộc sống của bạn chính xác như bạn trải nghiệm nó, hoặc trải nghiệm của Chúa về cuộc sống của bạn khác với trải nghiệm của bạn. Bạn không thể có nó theo cả hai cách. Bất kể sự khác biệt nhỏ như thế nào, bất kỳ tách biệt nào cũng sẽ phá vỡ các quy tắc toàn tri và toàn hiện. Nhưng, như tôi đã nói, chúng ta có thể tiếp tục bới lông tìm vết để tranh luận nếu muốn.
Z: Không, tôi thấy rồi. Tôi chấp nhận những gì bạn nói. Nó hoàn toàn hợp lý và nó thực sự cũng cộng hưởng với trái tim tôi. Nhưng có điều tôi vẫn chưa hiểu: tại sao Chúa lại làm điều này? Công phu tỉ mẩn một cách kinh khủng khiếp … để tạo ra toàn bộ vũ trụ này và lấp đầy nó bởi biết bao nhiêu nghìn tỷ hạt của chính mình mà không ai trong số chúng biết rằng chúng chính là Chúa. Tại sao lại phải nỗ lực như vậy? Tất cả để làm gì?
JD: Còn nhớ câu chuyện ngụ ngôn ở Chương 3 không? Câu chuyện về vị vua uống thuốc lãng quên? Chà, có một chút giống như vậy. Chúa đã tham gia vào một quá trình tự sáng tạo và tự khám phá bản thân vô tận. “Sẽ thế nào nếu tôi như thế này?” Là câu hỏi mà sẽ tạo ra một thực thể mới … hoặc một vũ trụ hoàn toàn mới. Cuộc hành trình vào quên lãng, mà xảy ra ở đây trong thực tại này, là một trong những cách có thể để tự khám phá.
Câu hỏi “Sẽ thế nào nếu tôi không biết tôi thực sự là ai hoặc tôi thực sự là gì?” sẽ dẫn đến vô số thực tại. Đây là một trong số đó. Thực tại này chính là câu hỏi đó. Bạn, mỗi người trong số các bạn là một câu trả lời có thể.
“Tôi là những gì xảy ra với Chúa trong những điều kiện này,” là câu trả lời mà bạn đang bận hồi đáp.
Z: Okay … vậy nên tôi là một với Chúa và tất cả chúng ta đều vậy. Và chúng ta đang tham gia vào một hành trình tự khám phá bản thân. Bằng cách tham gia vào hành trình tự khám phá bản thân của cá nhân tôi, tôi mang lại nhiều kiến thức về bản thân hơn cho tất cả.
JD: Chuẩn! Khá lắm! Nếu bạn muốn khám phá Chúa, thì nơi tốt nhất để bắt đầu là hãy khám phá bản thân.
Z: Hừm. Tôi hiểu về mặt logic nhưng … điều đó có vẻ khủng khiếp … ý tôi là … ai đó sẽ thấy rằng hơi báng bổ?
JD: Ồ, yên tâm! Có những người sẽ thấy rằng ngay cái ý tưởng của cuộc trò chuyện này đã là báng bổ. Vạch lá tìm sâu đủ kĩ và bạn sẽ tìm thấy một số người khác thậm chí cho rằng việc được hạnh phúc cũng là báng bổ. Nên tôi không quan tâm đến những gì người khác nghĩ hoặc tin. Đối với bản thân tôi, tôi lại thấy toàn bộ cái khái niệm về báng bổ là vô nghĩa. Thật nực cười khi nghĩ rằng bạn có khả năng xúc phạm Chúa hoặc làm tổn thương cảm xúc của Chúa. Bạn chắc chắn có thể giữ những niềm tin và quan điểm có thể làm tổn thương bạn. Ví dụ như giữ những suy nghĩ thù hận về Chúa chẳng hạn. Nhưng, nếu có đủ thời gian và một chút hướng dẫn yêu thương, tất cả chúng sinh cuối cùng cũng sẽ đi đến quyết định rằng họ không thích tự làm tổn thương mình và sau đó họ ngừng làm điều này và chọn một cái gì đó mang tính xây dựng hơn thay thế. Một thứ gì đó mang lại cho họ sự bình yên, tình yêu và niềm vui. Và, yêu Chúa chắc chắn sẽ làm được điều đó. Chúa biết điều này. Chúa nhìn bạn như bạn đang là. Bạn không thể làm hoặc nói một số điều vặt vãnh nhất thời mà có thể xúc phạm đến Chúa. Thực sự là hoàn toàn không thể bởi vì bản chất vốn là vô hạn nên Chúa lớn hơn thế rất nhiều.
Z: Vậy thì báng bổ là gì? Nếu Chúa không thể bị xúc phạm, tại sao chúng ta thậm chí có từ này?
JD: Khái niệm báng bổ là một thứ hư cấu được một số người sử dụng để kiểm soát người khác thông qua nỗi sợ hãi. Nó có từ thời cổ đại khi các pháp sư và thầy phù thủy sẽ nói với các bộ lạc rằng họ phải cư xử theo những cách nhất định nếu không các vị thần sẽ không vui và họ sẽ có một vụ mùa thất thu… hoặc một số quan niệm tương tự. Đây chính xác là ý tưởng được đưa ra trong xã hội của bạn bởi các tôn giáo, những người thường yêu cầu bạn suy nghĩ, tin tưởng và hành động theo một cách nhất định và chỉ được phép nói những điều nhất định. Nếu bạn bước ra ngoài giới hạn mà họ đặt ra cho bạn thì họ nói với bạn rằng bạn đang không làm hài lòng Chúa, người mà sau đó sẽ làm cho cuộc sống của bạn trở nên khó khăn hoặc thậm chí trừng phạt bạn bằng các tai họa và khiến bạn chết. Tất nhiên, sau đó còn khiến bạn bị dày vò trong sự thống khổ vĩnh hằng. Đây vẫn là cùng một câu chuyện về thao túng và kiểm soát. Sự khác biệt duy nhất là các tôn giáo mới hơn có lẽ tàn nhẫn và bạo lực hơn một chút trong hình phạt tưởng tượng của mình đối với những người không làm như họ yêu cầu. Nhưng không có vấn đề gì. Tất cả đều sai lầm như nhau. Chúa không tạo ra những quy tắc hạn hẹp để bạn tuân theo. Thay vào đó Chúa trao cho bạn tự do ý chí. Chúa không phải là đứa trẻ bồng bột dễ nổi cơn thịnh nộ khi bạn sử dụng quyền tự do ý chí được ban tặng. Chúa không phải là một kẻ tàn bạo, độc ác và đầy thù hận thích làm tổn thương bạn vì đã phạm phải những sai lầm rất con người, rất bình thường. Bạn tự làm tổn thương bản thân vì những lỗi này và trong khi được đảm bảo tuyệt đối không thể thất bại, bạn sẽ học hỏi được từ những sai lầm, và cộng với một chút thời gian, sẽ ra những quyết định tốt hơn. Vậy nên trừng phạt bạn có ý nghĩa gì chứ? Hình phạt không dạy bạn bất cứ điều gì cả. Cho phép bạn nhận được chính xác những gì bạn đã tạo ra là những gì sẽ dạy cho bạn. Chúa chắc chắn không vô tâm, ngu dốt hoặc kém thông minh đâu. Chúa sẽ không làm những gì không hiệu quả.
Toàn bộ khái niệm về sự báng bổ và trừng phạt của thần thánh chẳng những không có cơ sở, mà nó còn mâu thuẫn trực tiếp với Chúa là gì và Chúa sẽ cư xử như thế nào. Chúa là một với bạn và Chúa còn lâu mới có cái mong muốn ghét bỏ hoặc trừng phạt chính Nó.
Nếu có một điều gì đó như là sự báng bổ, thì đó là gợi ý rằng đúng là có một điều gì đó như là sự báng bổ (anh ta cười)
Z: Thôi được rồi. Tôi sẵn sàng chấp nhận điều này. Vậy thì rõ ràng không phải là một sự báng bổ khi nghĩ rằng nơi tuyệt nhất để khám phá Chúa là nhìn vào bên trong trái tim của riêng mình?
JD: Chắc chắn là không! Tôi sẽ nhắc lại một trong những câu yêu thích của tôi: chẳng phải tôi đã nói rằng bạn được tạo ra theo hình ảnh của Chúa? Hay nói cách khác, “Nếu bạn muốn thấy hình ảnh của Chúa … thì hãy nhìn vào chính mình!”
Z: À. Đúng rồi.
JD: Một lần nữa. Ý tôi không chỉ là cơ thể vật lý của bạn. Ý tôi đó là điều bạn thực sự là. Bản chất chân thật nhất, sâu sắc nhất của bạn. Và nếu điều này là như vậy, thì nỗ lực để thực sự lĩnh hội bản chất sâu sắc nhất của bạn chính là nỗ lực để biết Chúa.
Z: À! Có lý. Nhưng tất cả chúng ta đều là Chúa. Ý tôi là tất cả mọi thứ đều như vậy. Vậy tại sao tôi có thể không bắt đầu khám phá ra Chúa bằng cách nhìn xung quanh, ví dụ một người khác hay thiên nhiên hoặc cái gì đó?
JD: Bạn có thể thử. Và việc quan sát những gì xung quanh sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân ở một mức độ nào đó. Nhưng bạn thấy đấy, bạn không thể hiểu điều gì đó ở người khác nếu bạn chưa nhìn thấy nó ở chính mình trước – nó sẽ chỉ như đánh đố bạn thôi.
“Làm sao mà họ có thể như vậy được chứ?” Bạn có thể tự hỏi mình trước khi bạn bước đi lắc đầu ngao ngán. Tuy nhiên, nếu bạn đã thấy điều này trong chính mình, thì bạn sẽ có thể đồng cảm với người khác. Bạn sẽ tặng họ một món quà đó là sự hiểu biết của bạn, nó thậm chí cũng có thể giúp họ hiểu chính họ. Vì vậy, tự khám phá bản thân là chìa khóa. Và tự yêu thương bản thân là cánh cửa. Và chấp nhận bản thân là cách bạn vượt qua cánh cửa đó. Và đây là cuộc hành trình mà chính vì nó nên bạn đã được tạo ra. Bạn thấy đấy, không chỉ là Chúa đang nhìn ra thế giới qua đôi mắt của bạn, mà bằng cách nhìn vào bên trong từ góc nhìn của bạn, Chúa đang nhìn thấy chính Nó. Và vì thế, bạn đã ban tặng cho Chúa một góc nhìn mới về bản thân Nó bất cứ khi nào bạn khám phá thêm một chút về bản thân.
Z: Hey, tuyệt thật đó! Có nghĩa là Chúa đang ở trong một quá trình liên tục của sự Tự sáng tạo và Tự khám phá và điều đó là kết quả của tất cả những quá trình mà tất cả chúng ta đang tham gia.
JD: Chuẩn rồi! Chúng ta là Chúa đang khám phá chính Nó.
Z: Vậy tất cả chúng ta đều tham gia vào cùng một công việc tuyệt vời?
JD: Đúng. Ngay cả những phân mảnh của Chúa mà đang làm những điều tồi tệ nhất, đen tối nhất. Ngay cả vậy, họ cũng đang tạo cơ hội cho chính bản thân tự khám phá. Họ làm điều này trực tiếp thông qua trải nghiệm của chính họ khi họ phát triển và khám phá bản thân nhưng cũng là gián tiếp bởi vì họ trao tặng cho những người hướng sáng cơ hội xác định và khám phá bản thân theo hướng đối lập với bóng tối. Nếu không có có kẻ thù lớn và quyền lực, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội để khám phá ra mình có thể can đảm như thế nào, rằng bạn sẽ đứng lên và làm điều đúng đắn dù có bất lợi ra sao. Nếu không có ai làm sai, thì bạn có biết như thế nào là làm đúng không? Và.v.v… Bóng tối cũng có giá trị như ánh sáng. Và nếu bạn đang chơi trò chơi bóng tối, thì niềm vui để thoát ra và trở lại với ánh sáng sẽ là siêu phàm. Tất nhiên thực sự không có cái gọi là “tối” hay “sáng”. Không hẳn. Tất cả các bạn đều nắm giữ cả hai trạng thái đó trong chính mình. Bạn có tất cả, tại một số thời điểm trong tiền kiếp và thậm chí tại một số thời điểm trong cuộc sống này, đều đã làm một số điều rất không thiện lành và “tăm tối”. Và tất cả mọi người, cho dù “tăm tối” đến mức nào, một lúc nào đó sẽ quay đầu và trở về với ánh sáng. Nếu không ở kiếp này, thì là một thời điểm trong tương lai. Tôi nói với bạn tất cả là một .
Và tất cả chúng ta, mỗi người theo cách riêng, đều tham gia vào quá trình khám phá về con người thật của mình. Và khi làm như vậy, chúng ta đang trong quá trình sáng tạo không ngừng. Và đây chính là sự phục vụ của chúng ta đối với Chúa
Z: Điều đó làm tôi rất vui mỗi khi nghĩ đến. Cảm ơn bạn vì góc nhìn vi diệu này. Nhưng vẫn còn một trở ngại cuối cùng để tôi có thể hoàn toàn chấp nhận tiên đề rằng tất cả là một. Một niềm tin như vậy đối với tôi dường như có nghĩa là ở đó không có thiện và ác, không có đúng và không có sai. Rằng chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn, bất kể bằng cách nào chúng ta muốn, cho bất cứ ai chúng ta muốn và tất cả mọi thứ đều được chấp nhận trước Chúa. Nhưng nó không phù hợp với tôi cho lắm. Cái điều “tất cả là một” này dường như sẽ dẫn đến một lập trường khá trái đạo đức.
JD: Chỉ vì bạn đã hiểu sai nó thôi. Tôi muốn nghỉ giải lao ở đây vì tôi cảm thấy tôi đã giải quyết câu hỏi mà trong đó tôi đã chứng minh Chúa là một với tất cả nhìn từ khía cạnh tôn giáo. Bạn vừa đặt một câu hỏi hoàn hảo để dẫn tôi đến chủ đề tiếp theo, “Ý nghĩa của Nhất Thể”. Bạn đã đặt ra một vấn đề quan trọng, vấn đề này là câu hỏi về đạo đức và quy tắc sống. Bạn đã đưa ra một giả định sai mà tôi sẽ muốn chỉnh lại chút. Nhưng tất cả điều này sẽ có trong chương tiếp theo…
* * * * *