CHƯƠNG II: BẠN LÀ AI? TÌM RA GIÁ TRỊ CỦA BẠN, LOẠI BỎ NỖI SỢ HÃI, VÀ HỌC CÁCH SỐNG CHÂN THẬT
“Thấu hiểu bản thân là khởi nguồn của mọi sự thông thái” – ARISTOTLE
Bạn là ai? (nếu bạn ở lứa tuổi thiếu niên vào những năm 70 của thế kỷ trước, bạn có lẽ đã ngân nga mãi câu hát “Who, who, who, who?” (trong bài hát nổi tiếng “Who are you?” của nhóm nhạc The Who). Đó có vẻ là một câu hỏi đơn giản, nhưng rất hiếm khi tôi gặp được một ai đó trả lời đúng.
Trong những trang đầu tiên của cuốn sách này, tôi đã viết về linh hồn là thế nào, và cách mà mỗi linh hồn trú ngụ bên trong cơ thể của mỗi chúng ta. Một số bạn có thể nhận biết được linh hồn mình, và những bạn khác có thể đặt câu hỏi là làm thế nào mà linh hồn lại chính là động lực thúc đẩy trong cuộc sống của bạn. Vì thế, hãy tìm hiểu tất cả những điều đó trong quá trình chúng ta khám phá bạn là ai nhé!
Nếu bạn nắm được phong cách truyền đạt của tôi, bạn biết rằng tôi thích phân tách mọi thứ thành những dạng đơn giản nhất của nó. Khi chúng ta tiếp tục khám phá, hãy giữ cho những suy nghĩ về linh hồn của bạn lắng xuống sau tâm trí. Trong chương này, chúng ta đang tìm hiểu về việc chúng ta chính xác là ai. Khi đó, Luật Phân Cực sẽ được áp dụng. Luật Phân Cực giúp chúng ta định nghĩa mọi thứ, bao gồm cả chính chúng ta. Với quy luật này trong tâm trí, chúng ta đừng tập trung vào việc mình là ai. Thay vào đó, hãy nhìn vào tính hai mặt của chúng ta, và hãy xem chúng ta không phải là cái gì.
Trong suốt hơn 20 năm giao tiếp với thế giới tâm linh, tôi biết chắc một điều là: Bạn không phải là con người có trải nghiệm tâm linh. Mà thay vào đó, bạn là bản thể tâm linh, đang có trải nghiệm của con người.
Tôi nhận thấy rằng phần lớn chúng ta thật khó khăn để hiểu ra và chấp nhận sự thật này. Chúng ta sống trong một thế giới vật chất, chúng ta lấp đầy cuộc sống của mình, ngôi nhà của mình bằng vật chất – đồ đạc, những tấm thảm, rèm trướng mà lẽ ra một năm chúng ta nên giặt khô chúng một lần, nhưng chẳng bao giờ làm. Chúng ta chưng diện những bộ trang phục mua từ cửa hàng ở trung tâm thương mại hoặc từ một trang trực tuyến. Rất nhiều người trong chúng ta lái xe hơi. Và những chiếc xe hơi đó chứa đầy mọi thứ từ thế giới vật chất. Một người bạn của tôi với chiếc xe tải chứa rất nhiều đồ ăn nhanh phủ phô mai, sách, và những chai nước thì rải khắp các ghế ngồi tới mức bạn có thể sống thoải mái ở đó cả tuần. Chúng ta bị bao phủ bởi đồ đạc và thực tế bị chôn vùi bên dưới đồ đạc. Và, mỗi khi dịp lễ, Tết, sinh nhật, hoặc lễ kỷ niệm, chúng ta còn mua nhiều thứ hơn. Chúng ta đóng thùng, gói đồ và vận chuyển mọi thứ. Vào dịp Giáng sinh, chúng ta lấp đầy những chiếc tất khổng lồ mà chẳng có bàn chân nào đi vừa với thậm chí nhiều thứ hơn nữa. Tôi không bảo bạn không nên có những thứ này! Tôi có một ngôi nhà, một chiếc xe hơi và tất cả mọi thứ đồ đạc tương tự như bạn có. Và tôi yêu dịp lễ Giáng sinh, yêu việc nhồi những chiếc tất khổng lồ treo trên lò sưởi của tôi nữa. Điều mà tôi đang nói đến là, nếu bạn không chú ý thật kỹ, hoặc bạn không kiếm tìm mục đích linh hồn của bạn, bạn sẽ dễ hiểu sai rằng những điều này đồng nhất với bạn.
Một trong những người dì đáng kính của tôi thường nói với tôi rằng: “Nếu con có một chiếc túi xinh xắn cùng với một đôi giày dễ thương, con sẽ luôn có được sự chú ý của người khác”. Tôi rất yêu mến dì, và trân trọng những lời khuyên mà dì dành cho tôi, nhưng khi dì ấy nói câu này, tôi tự hỏi: có thực sự là người đó chú ý đến “tôi” – tôi đích thực hay không, khi những gì mà đôi mắt họ để ý tới là chiếc túi xách và đôi giầy xinh xắn của tôi?
Vấn đề là, những thứ mà chúng ta tích trữ không phục vụ cho những mong muốn và nhu cầu cơ bản của chúng ta. Những đồ vật vô tri không thể nuôi sống được linh hồn của chúng ta. Phải, một chiếc ô tô xịn xò thì thật thoải mái và nó cứ lầm lì như thế trên những con đường gập ghềnh. Và, có chút gì đó rất an yên, thích thú khi ngồi trong một căn phòng được trang trí một cách tinh tế, và vô cùng sạch sẽ. Nhưng căn phòng hay chiếc xe, đều chẳng có cảm xúc gì với bạn. Bạn có thể yêu chúng, nhưng chúng không yêu bạn. Và ảo tưởng về hạnh phúc sẽ sinh ra từ trong khoảng trống của tình yêu như thế.
Có một cách khác để nghĩ đến điều này. Hãy tưởng tượng rằng bạn là người cuối cùng sống sót trên Trái Đất, bạn lang thang khắp nơi một mình, và giả dụ, ở Los Angeles. Mọi cánh cửa đều được mở, mọi chiếc xe đều sẵn chìa khóa cắm trong ổ, mọi chiếc tủ đồ đều mở toang, và mọi cửa hàng cũng đều đang mở. Bạn có thể có trong tay tất cả mọi thứ, như một vị quốc vương của toàn thế giới! Nhưng, chẳng có thần dân nào cả. Giả sử bạn tiếp tục bước vào một ngôi nhà mát mẻ, ở khu biệt thự đồi Hollywood, và bạn tự chuẩn bị cho mình một bữa trưa lành mạnh organic trong một khu bếp rộng rãi, sáng sủa, thoáng mát với rất nhiều cửa sổ từ sàn cho tới nóc nhà. Sau đó, bạn di chuyển tiếp đến chiếc tủ quần áo to bằng một cái phòng khách, thử đồ 15 phút, và bước ra với một bộ trang phục sành điệu, đắt tiền nhất mà bạn có thể tìm thấy. Tiếp theo, bạn bước đến gara, và chọn một chiếc xe. Bạn thích một chiếc xe mui trần màu trắng, với những chiếc ghế bọc da màu trắng nốt. Và rồi bạn lái chiếc xe đó trên những xa lộ thênh thang ở Los Angeles. Đúng vậy, chạy thật nhanh trong vài phút thật là thú vị! Nhưng cuối cùng, bạn nhận ra rằng, chỉ có mình bạn. Trong một bộ trang phục. Trên một chiếc xe hơi.
Khi bạn cô đơn trong một thế giới với tất cả kho báu đó, bạn có thực sự yêu thích chúng không? Nó thực sự có tác dụng gì cho bạn không? Hãy nhớ rằng, những thứ đó không yêu bạn. Chúng không nghe thấy bạn. Và ngay cả khi bạn đang mặc chúng, đang lái chúng, nhưng chúng không phải bạn. Chúng thậm chí không đại diện cho bạn một cách thích hợp. Sự theo đuổi vật chất là một cuộc rượt đuổi không có điểm dừng, sẽ chỉ đưa bạn đến hết cửa hàng này tới cửa hiệu khác mà chẳng đem lại thứ mà bạn thực sự cần: tình yêu. Chúng ta có mọi thứ, nhưng chúng ta không phải là những gì chúng ta sở hữu.
Có thể bạn đang nói, “Đúng vậy Kim, tôi biết tôi không phải là những thứ tôi có, những những thứ tiện nghi này làm cho cuộc sống của tôi dễ dàng hơn rất nhiều”. Ồ vâng, tin mới dành cho bạn đây! Tất nhiên chúng có thể, và chúng làm cho cuộc sống của bạn dễ chịu hơn. Chết thật, tôi thậm chí còn rất yêu thích những món đồ sang trọng hoặc tiện nghi của mình. Hôm bữa tôi đến New York, và trông thấy một chiếc áo khoác mà tôi rất thích. Đó là kiểu dáng phù hợp với tôi (nửa đùi), đúng màu yêu thích (màu đỏ), và đúng chất vải nữa (len gabardine). Sau đó tôi đã nghĩ đến tất cả những chiếc áo khoác mà tôi đã mua, và những cái mà tôi hiếm khi mặc. Sau đó hình ảnh chiếc tủ quần áo chật ních lại hiện ra trong đầu tôi, mà tôi đã định dọn bớt đi nhưng chẳng có thì giờ để làm. Suy nghĩ về sự ham mê quá mức này, cùng với ý nghĩ về việc biết bao nhiêu người kém may mắn hơn đang thiếu thốn quần áo ấm ra sao, ngay lập tức tôi trở nên căng thẳng. Tôi tự hỏi liệu rằng cuộc sống của tôi có trở nên tốt hơn khi có thêm một chiếc áo khoác hay không. Câu trả lời là không, tất nhiên là không rồi! Tôi biết rằng, tôi cần phải kỷ luật hơn để không nhượng bộ trước những cơn bốc đồng của mình. Điều này ngay lập tức khiến tôi nhớ đến Luật Cân Bằng. Mọi thứ đều kết nối với nhau, mọi thứ đều ở mức cân đối, vừa phải. Chừng nào bạn vẫn duy trì được sự cân bằng, cuộc sống của bạn sẽ trở nên dễ chịu.
Nhân tiện, ý nghĩ về việc mua thêm chiếc áo khoác mới dễ thương đó đã nảy sinh một ý nghĩ khác quan trọng hơn, là động lực cho tôi dọn dẹp tủ quần áo của mình sớm hơn. Và tôi đã tặng những chiếc áo khoác mà tôi ít khi dùng đến cho những người đang cần chúng. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Nếu bạn đang làm việc quá sức chỉ để mua những món đồ xa xỉ, hãy nhớ đến câu nói này: Làm quá nhiều mà không nghỉ ngơi sẽ đần người ra đấy. Đó là cách khác để nói rằng sự cân bằng chính là chìa khóa.
Hầu hết người Mỹ đều theo chủ nghĩa vật chất ở một mức độ nào đó. Nhưng một người bạn của tôi, Steve không giống như vậy. Steve lớn lên trong sự phong lưu hào nhoáng như phim ảnh. Anh ấy là con út trong một gia đình Công giáo danh tiếng có 10 người con. Một trường Đại học nổi danh ở Mỹ được đặt tên theo tên họ của mẹ anh, và cả một khu vực địa lý ở một thành phố lớn ở Mỹ được đặt tên theo tên họ người cha của anh. Steve lớn lên cùng những người vú nuôi, một đầu bếp và những người quản gia sống cùng nhà. Anh ấy thường dành những kỳ nghỉ hè ở Châu Âu, nơi bố mẹ anh ấy thuê toàn bộ các tầng trong những khách sạn sang trọng nhất. Ở tuổi 20, Steve nhận ra khoảng trống tinh thần trong thế giới vật chất, và anh ấy đã bay đến California, nơi anh ấy sống trong một cộng đồng ở vùng núi Santa Cruz. Công việc của Steve trong cộng đồng đó là: đỡ đẻ. Trong vòng 6 năm ở đó, anh ấy đã đón 37 em bé chào đời. Mọi người trong cộng đồng đều yêu mến Steve. Anh ấy là Steve, một bà mụ. Steve, người hộ sinh. Steve, người đỡ đẻ. Đây là cách mà những người khác nhìn thấy ở anh ấy, và là con người mà anh ấy nghĩ mình là như vậy.
Cho tới một ngày anh ấy thức giấc, và cảm thấy giống như mình đang sống một cuộc đời sai lầm. Anh ấy có một cảm giác kinh khủng rằng, anh ấy thực sự không phải người mà mọi người vẫn thường nghĩ anh ấy là. Vấn đề duy nhất là Steve không biết mình là ai, nếu không phải là một người hùng của cộng đồng ấy. Steve, ở cái độ tuổi rất trẻ, đã có trực giác và cảm nhận về một sự thật: những gì anh ấy sở hữu không định nghĩa được anh ấy là ai. Có lẽ, nguyên nhân cho vấn đề nan giải này là bởi vì anh ấy được sinh ra “ở vạch đích”, với tất cả những thứ xa xỉ có trong tay, và anh ấy đã không hề biết khao khát hay mong muốn là gì, nhưng anh ấy chưa khám phá ra sự thật quan trọng không kém khác: đó là anh ấy không giống như công việc mà anh ấy làm trong cộng đồng đó. Chúng ta có công việc, nhưng, chúng ta không phải là công việc.
Tôi biết một người phụ nữ hiện đang sống ở Boston – hãy gọi cô ấy là Elise. Cô ấy nhanh nhẹn như bất kỳ ai tôi từng gặp, và học vấn cao nữa, với nhiều bằng cấp từ nhiều trường đại học khác nhau. Khi còn nhỏ, Elise rất tự ti về ngoại hình của mình. Với mái tóc đen và làn da còn đen hơn, Elise không thấy mình giống bất kỳ ai trên truyền hình. Khi đó dường như tất cả mọi người trên TV đều là con cháu của gia đình Brady vậy, với mái tóc vàng và đôi mắt màu xanh dương. Từ những hình ảnh của mọi người trên các phương tiện truyền thông, Elise đã suy diễn sai lầm rằng mình xấu xí một cách thậm tệ. Khi Elise lên đại học, vẻ ngoài có phần khác biệt của cô ấy bỗng dưng thu hút sự chú ý. Điều này làm cho cô ấy rất đỗi ngạc nhiên – tất nhiên là lấy làm hãnh diện, và hào hứng nữa. Sự chú ý đó mang lại cho cô ấy một cảm giác hưng phấn mà có lẽ cô ấy chưa bao giờ cảm thấy như vậy trước đây.
Không lâu sau đó, Elise không còn thấy vui với cái mác “Elise xinh đẹp đặc biệt” ấy nữa. Cô ấy muốn nhiều hơn, đẹp hơn, quyến rũ hơn. Đầu tiên, cô ấy tìm đến một bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình để bơm ngực của mình. Tiếp đến, cô ấy đi hút mỡ. Khi cô ấy 40 tuổi, cô đã trải qua 8 cuộc phẫu thuật khác nhau. Tuy vậy, với tất cả những sự thay đổi này, nâng cơ, và bơm hút đó, Elise vẫn không bao giờ thỏa mãn với vẻ đẹp của mình. Thời gian trôi đi, và cô ấy bắt đầu trở nên hoảng loạn. Mỗi một nếp nhăn mới trên khuôn mặt, hay cân nặng tăng lên một chút, khiến cho Elise cảm thấy như cô đang tuột dốc xuống vực thẳm.
Hầu hết chúng ta đều phải trải qua những gì mà Elise đã phải chịu ở một mức độ nhẹ nhàng hơn. Chúng ta cố gắng kiểm soát cơ thể của mình – định hướng nó rời xa quỹ đạo tự nhiên của chính nó – với hy vọng TV hoặc một tạp chí thể hình sẽ làm cho chúng ta xứng đáng với sự yêu mến, và thời gian mà người khác giành cho chúng ta. Điều này chưa bao giờ xảy ra, và sẽ không bao giờ xảy ra. Bạn có thể thu hút một vài ánh nhìn và, nếu bạn đang làm việc trong một vài lĩnh vực nhất định, bạn thậm chí còn có thể kiếm tiền nhờ cơ thể của mình nữa. Nhưng dù bạn có thể kiếm chác bao nhiêu tiền đi chăng nữa từ việc cơ thể của mình trông như thế nào, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mình được để ý, được lắng nghe hay được tôn trọng. Sâu thẳm trong mỗi chúng ta là sự nhận thức mang tính trực giác rằng chúng ta tách biệt với cơ thể của mình. Khi những lời khen ngợi tấm tắc và sự tán dương đổ dồn vào một cơ thể mà thực sự tách biệt với chính bạn, một cảm giác bất ổn sẽ khởi lên trong lòng bạn. Cảm giác đó là sự mất kết nối giữa cơ thể của bạn và con người thực sự của bạn. Chúng ta có một thân xác (tất nhiên là giả tạm thôi), nhưng, chúng ta không phải là thân xác của chúng ta.
Một khách hàng của tôi, hãy gọi cô ấy là Chloe, người đã cống hiến cả tuổi xuân những năm 20, 30 tuổi của mình để cố vun đắp nên một gia đình hoàn hảo cho chồng và con của cô ấy. Mẹ của Chloe mắc bệnh trầm cảm và nằm trên giường nhiều ngày liền, và khi bà ấy xuất hiện, bà ấy thường vô cùng giận dữ về những thứ chẳng đáng để tức giận – máy rửa bát không được dọn dẹp, hoặc thùng rác để ùn ứ bừa bãi. Trong những cơn điên tiết đó, bà ấy ném đĩa vào tường, đập vỡ những chiếc đĩa như cách mà người ta hay làm trong đám cưới ở Hy Lạp. Khi ở nhà, bố của Chloe thường trở nên né tránh và xa cách, như thể ông ấy muốn hai mẹ con Chloe phải biết một điều rằng, ông ấy chẳng thích về nhà tý nào.
Chloe thề rằng cô ấy sẽ không bao giờ có một gia đình riêng như thế. Và cô ấy đã được như ý. Ngôi nhà của cô ấy sạch sẽ tinh tươm, bữa cơm thịnh soạn trên bàn ăn vào mỗi buổi tối, và cô ấy thậm chí còn chuẩn bị bữa trưa rất tươm tất cho con cái của mình – những bữa ăn cần dùng tới đũa hoặc một tấm khăn ăn.
Đúng vậy, Chloe đáng được khen ngợi vì cách cô ấy chăm sóc gia đình của mình. Thật may mắn đối với họ, phải không? Nhưng vào ban đêm, khi máy rửa bát đang chạy, bọn trẻ nằm trên giường, chồng của Chloe ngồi trên ghế với tờ Tạp chí Phố Wall trước mặt, Chloe cảm thấy hoàn toàn lạc lõng. Như thể ngoài việc phục vụ gia đình của mình, Chloe chẳng có một mục đích nào khác. Tôi là ai? Cô ấy đã hỏi tôi như vậy.
Và tiếp theo là Lucinda. Lucinda đến Hoa Kỳ từ Colombia với mẹ của cô ấy, Doris. Trong vòng vài năm định cư ở đây, bà Doris đã khởi phát sớm chứng bệnh Alzheimer. Tôi dám chắc rằng trên thế gian này, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy người chăm sóc tốt hơn Lucinda. Lucinda hiếm khi phàn nàn. Cô ấy rất hạnh phúc khi mẹ cô ấy còn sống, mặc dù cô ấy luôn thừa nhận rằng người phụ nữ giản dị, hiền lành mà cô ấy đang chăm sóc chẳng giống với người phụ nữ đã từng chạy bộ tập thể dục đầy hăng hái trên vỉa hè của những con phố bận rộn ở Queens, trên đường đến cửa hàng tạp hóa. Bạn bè và những người hàng xóm đã cho rằng, Lucinda sẽ được tự do sau khi bà Doris qua đời. Cô ấy sẽ được giải phóng và có thể cô ấy sẽ hẹn hò, hoặc đơn giản chỉ đi xem phim vào một buổi tối nào đó.
Vậy chuyện đã xảy ra khi mẹ của cô ấy qua đời? Lucinda hoàn toàn mất phương hướng. Cô ấy vừa khóc trên điện thoại vừa nói với tôi rằng, cô ấy không cảm thấy nhớ việc thay bỉm cho bà, hay việc giặt giũ những tấm ga trải giường đến lần thứ tư trong tuần, hoặc thức giấc lúc nửa đêm vào lúc mẹ cô ấy trong cơn mê sảng đã đi lang thang khắp ngôi nhà để tìm những con mèo không hề tồn tại. Cô ấy không thực sự nhớ mẹ của mình – người đã rời đi nhiều năm về trước. Cô ấy khóc bởi vì cô ấy cảm thấy vô cùng lạc lõng. “Tôi là ai?”, cô ấy hỏi, “khi mà tôi không chăm sóc cho mẹ của tôi nữa?”
Mặc dù những nỗ lực của cô dành cho người mẹ của mình là rất hiếu thảo, bao dung, và đáng khen ngợi, Lucida vẫn không phải là người chăm sóc cho mẹ của mình. Giống như việc Chloe không phải là người chăm sóc cho chồng và bọn trẻ. Hãy nhớ rằng, chúng ta không phải là những vai diễn của chúng ta.
Có rất nhiều con đường và ngã rẽ khác nhau dẫn chúng ta đến những vai diễn mà chúng ta có. Khi còn nhỏ, chúng ta được phân vai thành: đứa thông minh, đứa béo mập, đứa hài hước, đứa khó ưa, đứa dễ tính. Sau đó chúng ta sáng tạo ra, như Elise trở thành một người phụ nữ đầy quyến rũ. Nhiều vai diễn được giao cho chúng ta bởi cơ duyên may rủi, giống như Lucinda, trở thành một người chăm sóc sau khi mẹ cô ấy đổ bệnh. Và nhiều vai diễn mà chúng ta đã lựa chọn, bởi vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải tái tạo thành phiên bản tốt hơn cha mẹ của chúng ta, như cách mà Chloe trở thành một người mẹ và người vợ hoàn hảo.
Vấn đề xảy ra bởi vì phần lớn chúng ta vẫn tiếp tục sống khi những vai diễn đó kết thúc. Bọn trẻ lớn lên và rời xa chúng ta, hôn nhân kết thúc, công việc thay đổi, chúng ta nghỉ hưu và kết thúc cuộc sống này. Đột nhiên chúng ta không thể tiếp tục đóng những vai diễn đó, nhưng chúng ta không biết cách nói lời tạm biệt với chúng. Những vai diễn này trở nên đồng nhất với chúng ta: là câu chuyện về chính mình mà chúng ta đã kể, hoặc muốn tiếp tục kể cho cả thế giới này. Nhưng việc bám chấp vào những vai diễn làm cản trở sự phát triển và khả năng tiến hóa của chúng ta, cản trở hạnh phúc của chúng ta. Ngay cả khi chúng ta có thể nhận ra điều đó, thậm chí chúng ta hiểu rằng mình đang bị mắc kẹt và đau khổ, nhưng chúng ta thường không buông bỏ được những vai diễn ấy của mình.
Tôi thường xuyên nhận được cuộc gọi từ những người nhờ tôi đến và giải quyết những linh hồn không mong muốn trong ngôi nhà của họ. Điều buồn cười là, thường khi tôi nới nơi, và sẵn sàng thực hiện nghi lễ “bắt ma” của mình, thì người chủ nhà thường nhận ra rằng họ cảm thấy gắn bó với những linh hồn tội nghiệp này, những linh hồn mà đã lựa chọn việc “ở lại chơi” với họ, thay vì trở về với ánh sáng. Họ cho rằng những linh hồn đã ở đó khi con chó của họ bị bệnh sau khi ăn sô cô la nướng, bọn trẻ bị thủy đậu, hay là bữa tối kinh hoàng hôm đó khi một vụ hỏa hoạn nhỏ bùng lên trong bếp. Một giờ trước khi tôi đến, họ ghét sự quấy quả. Ngay khi tôi ở trong phòng khách của họ, họ lại cảm thấy gắn bó với chúng. Bạn thấy đấy, con người sinh ra đã chống lại sự thay đổi. Chúng ta trở nên thoải mái với những gì chúng ta biết – ngay cả khi những điều đó gây rắc rối hoặc có hại. Chính trong những lúc khó chịu, việc hiểu rõ Luật Kháng Cự sẽ có lợi cho chúng ta rất nhiều. Đây là quy luật khiến cho những điều mà bạn cố chống lại sẽ tồn tại dai dẳng hơn. Hay nói cách khác, khi bạn chống lại sức mạnh tự nhiên, bạn dính mắc vào chính những lực lượng đó, trao cho chúng năng lượng bằng những suy nghĩ của bạn, giữ cho chúng tồn tại, và thu hút chúng vào trường năng lượng của mình. Khi chúng ta quy thuận những sức mạnh đó, chúng sẽ mất đi năng lực chi phối, và chúng ta được tự do. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta không thích điều gì đó, nhưng cũng có một sự thoải mái nào đó trong sự khó chịu, do ta đã quen với điều đó, như vậy chúng ta đã tham gia vào Luật Kháng Cự để giữ lại những điều mà chúng ta đã biết rõ, ngay cả khi điều đó không tốt cho chúng ta. Điều này đúng với những mối quan hệ tồi tệ, những vai diễn gây hại mà chúng ta có thể đảm nhiệm, hoặc những thói quen có hại cho sức khỏe và tinh thần của chúng ta. Điều này cũng đúng trong những câu chuyện mà chúng ta sử dụng để định nghĩa chính mình.
Khi chúng ta mới gặp một người bạn, chúng ta thường rất háo hức để khám phá câu chuyện của người bạn mới này. Hầu như mọi người đều thích những câu chuyện của người khác – đặc biệt là những chuyện xấu. Có lẽ chúng ta bị thu hút bởi những câu chuyện xấu để so sánh chúng với câu chuyện của chính chúng ta, và chúng ta thường nhận ra rằng, thì ra câu chuyện của mình cũng không đến nỗi tệ như chúng ta nghĩ. Hãy nghĩ đến tất cả những chương trình truyền hình thực tế, chúng ta rất dễ bị cuốn vào những câu chuyện kỳ cục của các nhân vật, mắt chúng ta dán chặt vào TV khi theo dõi những diễn biến mới được công chiếu, tuần này qua tuần khác. Ngay cả báo chí cũng không ngừng kiếm tìm những câu chuyện hấp dẫn.
Với mục đích của cuốn sách này, mỗi chúng ta cần nhìn vào câu chuyện của chính mình, câu chuyện mà chúng ta đã tạo ra về bản thân, về cuộc đời. Chúng ta thường cảm thấy thoải mái với câu chuyện quen thuộc của mình, hay niềm tin rằng, chúng ta chính là câu chuyện mà mình kể. Nhưng sự gắn bó với câu chuyện đó, hay tự nhận mình là câu chuyện đó, sẽ cản trở sự phát triển của mỗi người. Thêm vào đó, câu chuyện mà bạn kể về chính bạn thậm chí có thể không phải là câu chuyện có thật về bạn, mà thay vào đó là câu chuyện về vai diễn mà bạn đã lựa chọn hoặc vai diễn mà bạn buộc phải đảm nhận.
Tin tốt là câu chuyện này, vai diễn này có thể thay đổi, chỉ khi bạn sẵn sàng buông bỏ và thuận theo các quy luật tự nhiên của Vũ trụ. Chỉ khi bạn có thể nhìn thẳng vào Luật Kháng Cự và chọn cách quy thuận thay vì chống lại. Một quy luật tâm linh khác mà tôi đã đề cập trong chương trước là Luật Chuyển Động, quy luật nói về việc chẳng có thứ gì là bất biến. Một hình ảnh xuất hiện trong tâm trí tôi khi tôi nghĩ đến Luật Chuyển Động đó là việc bơi lội giữa đại dương xanh bao la. Giả sử bạn đang ở đó, dập dềnh sóng vỗ, hướng mặt ra mặt biển trải dài vô tận. Khi một con sóng khổng lồ cuộn về phía bạn, bạn biết rằng chẳng có điều gì mà bạn có thể làm để ngăn cơn sóng đó. Thực tế là, chẳng có thứ gì trên thế gian này có thể ngăn được sức mạnh của con sóng đó. Bạn có thể nín thở và cúi xuống nếu bạn kịp phản ứng. Nhưng điều đó không ngăn chặn con sóng, chỉ là né tránh nó mà thôi. Và chắc chắn răng, một con sóng khác sẽ ập tới tới trong vài giây tiếp theo. Bạn có thể lặn trong nó, nếu kỹ năng của bạn đủ tốt. Nhưng lại một lần nữa, bạn không thể khiến cho những con sóng dừng lại, và vẫn sẽ có nhiều con sóng khác nối tiếp nhau kéo đến. Bạn có thể cố gắng chiến đấu với nó, chống lại nó, nhưng cuối cùng có lẽ bạn sẽ phải chạm trán với đáy đại dương và bộ đồ tắm thì chứa đầy cát. Điều tốt nhất nên làm, cách khôn ngoan nhất đó là nương vào con sóng, cưỡi lên ngọn sóng khi chúng đưa bạn vào bờ. Lướt sóng mà không cần ván!
Khi chúng ta chống lại sức mạnh của năng lượng – khi chúng ta chống lại những sự thật vật lý và tâm linh, như lão hóa, tình yêu, và trí tuệ cao hơn – khi chúng ta dùng sự phủ nhận, dối trá, lừa lọc hay né tránh để ngăn chặn những cơn sóng đang cuộn về phía mình, chúng ta thấy tình trạng hỗn loạn hơn so với ban đầu.
Đó là khi sự thay đổi xảy đến bất chấp những lỗ lực hết sức của chúng ta để ngăn chặn nó – khi mẹ của Lucinda qua đời, khi Elise nghĩ rằng cô ấy cần thêm một cuộc phẫu thuật nữa – chúng ta đang la hét để cầu xin sự giúp đỡ. Từ chối chấp nhận sự thay đổi, cố gắng kiểm soát những điều không-thể-kiểm-soát, chúng ta đang không sống trong “dòng chảy”. Tôi sẽ nói thêm một lần nữa, hãy thừa nhận Luật Kháng Cự.
Có một số câu nói quen thuộc giúp chúng ta quy thuận khi đối mặt với Luật Kháng Cự. Một là “thuận theo dòng chảy”. Câu khác là “Nếu không uốn cong, bạn sẽ bị bẽ gãy”. Có lý do cho những câu nói này trở thành câu cửa miệng. Chúng lặp lại một chân lý mà chúng ta hiểu được bằng trực giác. Sâu bên trong mỗi chúng ta, chúng ta hiểu rằng mình cần thuận theo dòng chảy năng lượng thay vì chống lại nó. Chúng ta phải giơ hai tay lên, lao vào và lướt theo làn sóng đó đến nơi mà chúng ta cần đến.
Ngay lúc này, hãy trở lại với câu hỏi ban đầu của tôi: Bạn là ai? Bạn hãy lấy một cuốn sổ và một cây bút – hoặc tiếp tục và viết vào lề của cuốn sách này – và trả lời những câu hỏi trong bài trắc nghiệm bên dưới. Đây là những câu hỏi rất đơn giản, mặc dù có thể từ trước tới giờ bạn chưa từng được hỏi bất kỳ câu hỏi nào như thế. Hãy đưa ra câu trả lời trung thực nhất, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của bạn. Hãy để cho trái tim của bạn lên tiếng. Không một ai khác cần thiết phải đọc những câu trả lời này của bạn, thế thì giả vờ để làm gì cơ chứ? Ngoài ra, cách duy nhất để tìm ra mục đích linh hồn của bạn, cách duy nhất tìm ra bạn thực sự là ai, đó là thông qua sự thật trần trụi. Mọi thứ sẽ sáng tỏ khi bạn tiếp tục đọc. Hãy tin tưởng điều này ở tôi!
____________________________________________
Tìm Kiếm Linh Hồn
BẠN LÀ AI?
- Bạn là ai? Đừng nghĩ quá nhiều – chỉ đơn giản trả lời câu hỏi này với những từ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của bạn.
- Bằng một hoặc hai từ, bạn sẽ miêu tả về vai diễn của bạn trong các mối quan hệ chính của mình (với vợ/chồng, con cái hoặc đối phương)? Bạn là người phải tuân lệnh, người cổ vũ, hay người trụ cột? Bạn có đồng ý với những nhận xét này về bạn không?
- Bạn là ai khi bạn không ở cùng bọn trẻ, vợ/chồng, đối phương hay bất kỳ thành viên nào khác trong gia đình?
- Bạn là ai trong công việc của mình? Con người của bạn khác biệt như thế nào so với khi bạn không làm việc?
- Bằng một hoặc hai từ, bạn hãy xác định vai diễn của mình là như thế nào trong gia đình gốc? Bạn có phải là người khó tính không? Hay một người cá biệt? Một người bị đối xử lạnh nhạt? Một người bị hiểu nhầm? Hãy giải thích về việc làm thế nào mà gia đình của bạn lại gán cho bạn vai diễn đó, và liệu rằng họ đã đúng hay sai trong cách họ nhìn nhận về bạn.
- Gia đình gốc của bạn nghĩ bạn là ai ở hiện tại? Nếu có sự khác biệt giữa con người mà họ thấy ở bạn, và con người mà bạn tự thấy ở mình, hãy giải thích.
- Hãy giải thích về mối quan hệ giữa cơ thể của bạn và con người bạn. Liệu bạn có là chính mình nếu bạn buộc phải giấu cơ thể của mình trong những lớp quần áo rộng thùng thình? Bạn có là chính mình nếu bạn phải để lộ cơ thể trong những bộ quần áo bó sát?
- Bạn là ai khi bạn thức giấc vào nửa đêm, và chỉ có một mình với những ý nghĩ? Con người ấy có khác so với người mà bạn thể hiện công khai? Con người đó có khác gì so với con người của bạn khi bạn ở cùng vợ/chồng hay đối phương?
- Hãy nhìn vào một tấm hình của bạn khi bạn còn nhỏ. Hãy tập trung vào tấm hình đó và cố gắng nhớ lại cảm giác của bạn vào lúc đó. Khi đó bạn là ai?
____________________________________________
Hãy đọc qua những câu trả lời của bạn. Có phải là tất cả những phiên bản của bạn đều cơ bản giống nhau – ngoại trừ vai diễn mà gia đình gốc của bạn đã phân vai cho bạn? Nếu đúng vậy, xin chúc mừng! Bạn là một trong số ít ỏi những người thực sự đang sống một cuộc đời đích thực, một người không muốn trở thành bất kỳ ai khác ngoài chính bản thân mình hiện tại. Bạn đã phải rất nỗ lực để khước từ những ý tưởng của người khác, những lời chỉ trích hay những kiểu mẫu. Ở một mức độ nhất định, bạn không quan tâm đến những gì người khác nghĩ về bạn. Bạn quan tâm đến những gì bạn nghĩ về mình. Rất có thể bạn đã có những hình mẫu tích cực trong cuộc sống, hoặc một hệ thống hỗ trợ về tinh thần mạnh mẽ đã giúp bạn định hướng cuộc đời, nơi những thể chế, chủ nghĩa phân biệt về chủng tộc, về giới tính, về tuổi tác, về giai cấp, và rất nhiều thứ khác không ngừng cố gắng định nghĩa về bạn – một thực thể đầy quyền năng không thể định nghĩa được. Bạn luôn kết nối với linh hồn của mình.
Nếu câu trả lời của bạn giống như việc miêu tả nhiều người khác nhau, đừng lo lắng – điều này là hoàn toàn bình thường, và đây là một trong những lý do tôi cảm thấy buộc phải viết ra cuốn sách này. Nhưng hãy tự hỏi liệu có một kiểu mẫu người nào trong cách người khác nhìn nhận về bạn hay không. Nếu có, hãy đối diện với suy nghĩ của đa số đó, giống như bạn đang soi gương vậy. Những gì bạn trông thấy có đúng với bạn không? Nếu có cơ hội bạn có muốn thay đổi hình ảnh mà người khác thấy ở bạn hay không?
Bây giờ, hãy xem bạn miêu tả thế nào về chính mình khi bạn còn nhỏ nhé. Liệu đứa trẻ ấy có giống với những phiên bản khác của bạn hay không: Bạn khi về đêm? Bạn khi không làm việc? Hoặc bản thân bạn khi ở cùng với người bạn đời? Bạn cảm thấy tốt hơn hay tệ hơn khi cảm nhận được bản chất đứa trẻ đó ở hiện tại?
Bạn cảm thấy đâu là con người đích đích thực và chân thật nhất của bạn trong số những phiên bản này? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn luôn tồn tại theo cách chân thực và cởi mở đó trong tất cả các mối quan hệ và trải nghiệm của mình? Thật đáng sợ, đúng không? Nhưng thật đáng giá!
Nỗi sợ của việc sống cuộc sống là chính mình, con người thực sự của bạn, có thể một phần bắt nguồn từ những tổn thương thời thơ ấu. Chúng có thể nghiêm trọng: cha mẹ hoặc người giám hộ ngược đãi; ai đó khẳng định bạn toàn làm sai; hoặc người khác sử dụng quyền lực, địa vị của họ để hạ thấp con người của bạn. Hoặc nó có thể chỉ đơn giản như những gì đã xảy ra với bạn tôi Jessica khi cô ấy học lớp 5. Một học sinh khác, Bill B. đã nói trước lớp rằng “Jessica sẽ thật dễ thương nếu bạn ấy không có cái mũi to đến vậy”. Kể từ giây phút đó, Jessica tự coi mình là Cyrano de Bergerac – cô ấy chưa bao giờ cảm thấy mình đủ xinh đẹp. Khi bạn mang trong mình một tổn thương thời thơ ấu, nỗi tủi hổ – khi bạn cảm thấy mình kém cỏi do cơ thể, khuôn mặt, hành động, trí thông minh hay kỹ năng của bạn – bạn sẽ hình thành một vết chai sạm ngay trên những chỗ đau đó, cứ như thể điều đó có thể che giấu đi mọi chuyện.
Và, nếu những tổn thương thời thơ ấu là chưa đủ mạnh, thì cảm giác ân hận còn có thể tích tụ theo thời gian nữa. Bất kể ai đã từng rời khỏi nhà của họ cuối cùng đều cảm thấy hối tiếc về một điều gì đó đã làm. Một phần không thể thiếu của sự trưởng thành là thấy được điều bạn không muốn làm, người mà bạn không muốn đặt nụ hôn, thứ mà bạn không muốn uống, người mà bạn không muốn chơi. Nhưng sự ân hận, giống như nỗi hổ thẹn, có thể khiến chúng ta cảm thấy mình kém cỏi, không xứng đáng. Giống như những vết nhơ của sự hổ thẹn đó, chúng ta làm dày thêm vết chai sạm vô hình phủ lên sự hối tiếc của mình. Khi sự xấu hổ cùng nỗi ân hận kết hợp lại, vết chai này có thể phát triển rất dày, và cuối cùng nó trở thành một mặt nạ mà chúng ta đeo khi tiếp xúc với người ngoài, là thứ che giấu những vết sẹo bấy lâu nay. Việc che đậy những vết sẹo này sẽ tích tụ năng lượng dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn trong cuộc sống của chúng ta: lo âu, trầm cảm, giận dữ, thất vọng, nóng nảy, cơn thịnh nộ.
Bạn có thấy một phương trình ở đây không?
Tổn thương/nỗi hổ thẹn + sự ân hận = mặt nạ chai sạm
Mặt nạ chai sạm + nhiều mặt nạ chai sạm hơn = lo âu, trầm cảm, giận dữ, sợ hãi
Nếu bạn có thể tin tưởng vào Vũ trụ, Đấng Tạo Hóa, vẫn yêu thương bạn dù cho bạn cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi ra sao, bạn sẽ cởi bỏ chiếc mặt nạ ấy ra chứ?
Tôi có thể dám chắc với bạn một điều rằng việc đeo chiếc mặt nạ đó và che giấu sự thật về bản thân bạn còn tiêu tốn nhiều năng lượng hơn là chỉ đơn giản sống cuộc đời của bạn. Thực tế, sống một cuộc đời đích thực không tiêu tốn chút năng lượng nào. Nó giải phóng bạn, và nó nuôi dưỡng tâm hồn của bạn.
Hãy thử những bài tập dưới đây khi bạn bình tĩnh và thư giãn nhé.
_____________________________________
Thiền Ánh Sáng
Hãy tìm một nơi yên tĩnh. Tôi khuyến khích bạn thực hiện bài tập này trong tư thế ngồi thẳng trên ghế. Đảm bảo rằng hai chân của bạn chạm mặt đất. Hai tay của bạn đặt trên đùi, lòng bàn tay ngửa lên, hãy nhắm mắt và tưởng tượng một quả cầu ánh sáng trắng, ấm áp và rực rỡ từ trên cao di chuyển xuống, đi vào phần đỉnh đầu của bạn. Đây là điểm khởi nguồn cho tất cả những suy nghĩ tiêu cực. Hình dung mỗi một suy nghĩ tiêu cực giống như một miếng băng dính gai Velcro, sẽ dính vào nguồn sáng này, hãy nghĩ đến bất cứ điều gì không hướng tới sự tốt đẹp nhất của bạn. Ví dụ bạn muốn loại bỏ sự tự phê phán, nỗi lo lắng, sợ hãi, xấu hổ, ân hận, và tức giận.
Tiếp theo, hãy cảm nhận ánh sáng rực rỡ, ấm áp này di chuyển đến cổ họng của bạn, và đến lồng ngực. Bạn thấy nguồn sáng này càng rạng ngời khi nó chạm đến trung tâm trái tim của bạn. Hãy hình dung ánh sáng này như một chiếc chìa khóa đặc biệt, mang mật mã tâm linh để mở khóa cánh cửa trái tim của bạn, cho phép nó được mở rộng ra theo mọi chiều hướng. Bây giờ, trái tim của bạn đã rộng mở, bạn có thể dễ dàng mời gọi nhiều tình yêu thương hơn vào trong cuộc sống của mình. Khi ánh sáng ấy tiếp tục di chuyển đến toàn bộ cơ thể, nó sẽ vô hiệu hóa, và chuyển hóa bất kể mảnh vỡ tiêu cực nào thành ánh sáng lung linh, rực rỡ.
Ánh sáng này không có giới hạn – nó có thể trở thành bất cứ thứ gì mà bạn cần đến. Hãy thử dùng nó như một thỏi nam châm mang năng lượng, có thể hút bất kể điều gì không phù hợp với cơ thể của bạn và không thuộc về nơi đó – bao gồm những cảm xúc hay suy nghĩ tiêu cực, độc hại, là nguyên nhân gây ra bệnh tật, và bất cứ điều gì khác tách bạn ra khỏi ánh sáng của linh hồn.
Hãy cảm nhận luồng sáng này đi xuống dọc theo cột sống, và tràn vào khoang bụng của bạn. Cho phép nguồn sáng rực rỡ này lưu ở đó một khoảng thời gian, dọn dẹp mọi cảm xúc mắc kẹt từ quá khứ đã đè nặng bạn xuống. Cuối cùng thì bạn cũng sẵn sàng để giải phóng nguồn năng lượng này thông qua luân xa đám rối mặt trời – hãy chú ý xem bạn cảm thấy nhẹ nhàng như thế nào. Mục đích của nguồn sáng này là phục vụ cho bạn, nên hãy để cho sức mạnh của nó tiếp tục di chuyển dọc xuống hai chân, đến lòng bàn chân của bạn, đẩy hết toàn bộ năng lượng bám dính xuống sâu lõi Trái Đất.
Bây giờ bạn ngập tràn trong ánh sáng mát lành và tinh khiết. Bạn hãy ngồi yên ở đó với nguồn ánh sáng này, và chờ đợi để cảm nhận được nguồn năng lượng đang rung động bên trong bạn, đã hiện diện ở đó từ rất lâu rồi. Ánh sáng này, nguồn sức mạnh này, chính là con người đích thực của bạn, đã bị chôn vùi qua nhiều năm tháng, bên dưới những nỗi ân hận và hổ thẹn. Tâm hồn của bạn và cái tôi của bạn là một và giống nhau. Nếu bạn chưa thể xác định được nguồn sáng này hay cảm nhận được nó, đừng lo lắng. Nó sẽ đến khi chúng ta tiếp tục đồng hành để tìm kiếm mục đích linh hồn của bạn.
____________________________________________
Bộ Công Cụ Linh Hồn
Công cụ đầu tiên trong Bộ Công Cụ Linh Hồn chính là Blower. Blower là một bài tập cho tinh thần bao gồm các động tác thở sâu và giúp cho bạn giải phóng những năng lượng tắc ngẽn đang đè nặng bạn và làm cho bạn bị mắc kẹt. Hãy hình dung có hai lỗ hổng được mở ra trên đỉnh đầu của bạn, giống như lỗ thở của cá voi. Hít vào thật sâu, rồi thở ra, tưởng tượng mọi thứ đang cản trở bạn hoặc ngăn cản bạn bị đẩy ra khỏi lỗ thở đó. Bằng việc hít thở sâu, giải phóng tất cả những điều sau:
– Sự xấu hổ, hối tiếc, ăn năn, tức giận, sợ hãi mà bạn đã mang theo trong nhiều năm qua.
– Những nhãn dán, danh hiệu mà người khác “gắn mác” lên bạn.
– Ảo tưởng về việc kiểm soát hình ảnh của bạn.
____________________________________________
Công Cụ Bonus: Thiện Nguyện
Tình nguyện, ủng hộ, hoặc giúp đỡ ai đó kém may mắn hơn: hãy cho đi một đồ vật nào đó mà bạn nghĩ đã định nghĩa bạn, có lẽ là một chiếc áo len thiết kế thật ấm áp cho một ai đó ở viện dưỡng lão. Hãy thử tặng một đôi ủng đi mưa cho ai đó có thể sử dụng ở mái ấm tình thương dành cho người vô gia cư. Hoặc cho đi một chiếc áo khoác mà đã khiến cho tất cả bạn bè của bạn phải ghen tỵ. Hãy quan sát cảm xúc của chính mình, khi bạn cho đi thời gian, và những món đồ yêu thích của bạn tới những người cần đến chúng.